Thị trường giá lên Q2/2020, điều gì đang diễn ra
- 09/08/2020
- Posted by: Đội ngũ Tự học ACCA
- Category: Tài chính - Đầu tư
Dẫn nhập
Từ cuối tháng 3 đến tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục tăng điểm, trung bình 30% kể từ đáy. Điều này đã tạo nên tín hiệu phục hồi hình chữ V trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng có thật, đây là tín hiệu phục hồi tích cực hay không.
Có thể nói, theo lý thuyết cơ bản, thị trường chứng khoán trong dài hạn thì hiệu quả, nhưng trong ngắn hạn lại phản ánh tâm lý của các nhà đầu tư. Nhiều luồng ý kiến đã cho rằng, thị trường phục hồi phản ánh kỳ vọng các công ty sẽ phục hồi sau đại dịch. Ngay cả ở thị trường Mỹ, chỉ số công nghiệp DowJones cũng đang có những đà tăng mạnh mẽ từ đáy.
Thông tin kinh doanh
Thị trường trong dài hạn phản ánh tình trạng kinh doanh của nền kinh tế, cũng như các doanh nghiệp, chúng ta hãy cùng nhau điểm qua các tin kinh doanh trọng yếu trong giai đoạn qua:
- Warrent Buffet bán cổ phần của ngành hàng không lẫn ngân hàng.
- Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung có thể diễn biến rất phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục bị đứt gãy.
- Hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, việc giải ngân đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn, áp lực lạm phát cao.
- Theo báo cáo của Fiin Group – đại đa số các doanh nghiệp vẫn còn hoạt động kinh doanh khó khăn.
Có thể thấy, các giả định tích cực của nhiều nhà đầu tư đang lung lay. Đa số các nhà đầu tư đều tin vào các tín hiệu liên quan đến vĩ mô cũng như tin tưởng vào sức mạnh phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, một nền kinh tế sau một đợt suy giảm, chưa kể đến các nước lớn khác trên thế giới cũng trong đợt suy giảm tương tự. Điều này dẫn đến kịch bản phục hồi khó có thể nhanh được giống như phản ứng của thị trường.
Nếu thận trọng hơn, so sánh mốc chỉ số của VNindex trước khi có phản ứng về COVID19 – tháng 12 năm 2019, thì số điểm hiện tại chỉ cách mốc ban đầu là 11%. Nếu chỉ số tâm lý thị trường không đổi, thì số điểm hiện tại cũng đang có rất nhiều điểm đáng ngờ
Thông tin từ thị trường
Trong giai đoạn vừa rồi, 100.000 tài khoản chứng khoán được mở mới. Điều này có thể thấy, thêm trung bình 50.000 tỷ đồng được đổ vào thị trường (trung bình mỗi tài khoản được giả định tầm 50 triệu) – https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/gan-100000-tai-khoan-moi-tam-the-lac-quan-330079.html. Điều này lý giải một phần đà tăng lớn của nhiều mã chứng khoán gần đây. Tuy nhiên, phải lưu ý thêm, việc mở mới 100.000 tài khoản còn có một phần do người đã đầu tư, nhưng chuyển sang công ty khác để giao dịch nhằm hưởng các ưu đãi về phí, hoa hồng. Tuy vậy, mình cho rằng phần này là không nhiều.
Thêm vào thông tin tích cực của dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, dòng tiền cũng đổ mạnh mẽ vào các mã liên quan đến bất động sản, nhà đất, nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là các mã liên quan đến bất động sản khu công nghiệp
Ngoài ra, các thương vụ M&A lớn cũng bắt đầu diễn ra, kích thích dòng tiền đầu tư, ví dụ như trường hợp của KDC đã kéo mã cổ phiếu tăng mạnh mẽ kể từ đáy, đây cũng là một nhân tố kích thích dòng tiền đầu tư.
Khối ngoại vẫn bán ròng – nguyên nhân bán ròng có rất nhiều, nhưng có lẽ là để đảm bảo lợi suất đầu tư khi các mã cổ phiếu đang tăng, việc bán dần sẽ giúp các quỹ thu được mức lợi nhuận hợp lý, và linh hoạt hơn trong giai đoạn rung lắc – nếu có xảy ra trong tương lai. https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/giao-dich-khoi-ngoai-tuan-156-gom-manh-bluechip-khoi-ngoai-van-ban-rong-hon-315-ty-dong-330356.html
Nhận định gì đây?
1) Big-trend đang tới
Bigtrends có thể đang tới, mình sẽ dẫn nhận định của tờ đầu tư chứng khoán.
Số liệu tích cực liên quan đến việc làm tại Mỹ vừa được công bố đã khiến niềm hy vọng phục hồi nhanh của nền kinh tế Mỹ giai đoạn hậu Covid-19. TTCK Mỹ đã có có lúc tăng hơn 1.100 điểm để vượt ngưỡng 27.200 điểm. Có thể nói, phiên giao dịch ngày thứ 6 vừa qua là 1 trong những phiên tăng mạnh nhất của TTCK Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 lan tràn.
Hòa chung với sự tăng điểm liên tục của chỉ số DJ thì các chỉ số chứng khoán khác của các nền kinh tế lớn như Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc đều có những diễn biến khả quan.
Nếu niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu đang cho thấy sự lạc quan về đà hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế thì TTCK Việt Nam lại đang cho thấy đây là 1 trong những nơi mà niềm tin của các nhà đầu tư tăng cao hơn cả.
Điều cần làm đối với các nhà đầu tư hiện nay đó là bên cạnh việc “chọn mã đúng” tiềm năng kết hợp việc phân bổ tỷ trọng. VN-Index rất có thể không chỉ tăng và dựng ở vùng 900 – 920 điểm mà có thể là cao hơn nữa.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng và đặt ra biên an toàn cho các khoản đầu tư của mình. Cơ cấu lại danh mục vào các cổ phiếu có biên tốt hơn, và thực hiện chốt lời với các mã đã thu được lợi suất hợp lý. Ưu tiên các cổ phiếu lớn, cổ phiếu mới chưa được thị trường quan tâm cũng là việc nên làm. Cơ hội đang xuất hiện nhiều – hãy tận dụng tốt điều đó.
2) Vẫn là tư duy an toàn
Nhưng dòng tiền định nghĩa lại tâm lý, luôn là như vậy. Có một đặc điểm tâm lý khi tham gia thị trường, đó là người ta sẽ chỉ nhớ cảm giác gần nhất và cũng sẽ sớm quên những cảm giác cũ. Chính đà tăng đã biến tâm lý từ bi quan cực độ thành lạc quan cực độ như hiện tại.
Tham lam và sợ hãi, 2 thái cực này đã được bộc lộ rõ nét chỉ trong vòng 2 tháng. Với những nhà đầu tư cũ, những vết thương, nỗi buồn mau chóng được bù đắp, còn đối với nhà đầu tư mới, có lẽ hiếm cảm xúc nào thú vị hơn là thắng chứng khoán trong những lần đầu giao dịch.
Đối với người ngoài cuộc và đang không được tận hưởng niềm vui, cảm giác có lẽ là băn khoăn đến mức không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra.
Thị trường vẫn cứ bay cao trên những tin xấu. Chẳng riêng ở Việt Nam, chứng khoán Mỹ cứ tăng bất chấp biểu tình, bất chấp suy thoái, bất chấp dịch bệnh, thất nghiệp kỷ lục.
Chứng khoán Việt Nam đã áp sát vùng trước Covid-19 và đang còn… “rất khỏe”. Thuật ngữ “This time is different” – lần này sẽ khác – trong cuốn sách cùng tên của 2 tác giả Reinhart và Rogoff ám chỉ việc trước mỗi cuộc khủng hoảng, dù hoàn cảnh có thể khác nhau, nhưng đều được hình thành trong tâm lý chung là hưng phấn, ngạo mạn và mất cảnh giác.
Bài học lịch sử quan trọng nhất:
Thị trường luôn đánh gục nhà đầu tư ngay trong lúc lạc quan nhất. Chúng ta có thể đề phòng ở những giai đoạn nhất định, nhưng bằng một cách khéo léo nào đó, khi đám đông đều nghĩ giống nhau, đó là lúc thị trường đảo chiều.
Không chỉ những nhà đầu tư bình thường gặp khó trong việc dự đoán thị trường, mà các chuyên gia, thậm chí là các huyền thoại, vẫn thường hay mắc sai lầm.
Kiếm tiền trên thị trường hiện tại là dễ, nhưng giữ tiền khi qua đỉnh mới là khó. Ở thời điểm đó, cách phản ứng như thế nào lại là câu chuyện mang đậm tính cá nhân.
Một cách lý thuyết, điều cần làm là cần lập ra một kế hoạch giao dịch, tuân thủ nó và kiểm soát rủi ro thật chặt, sẵn sàng sửa sai khi cần. Cần suy nghĩ độc lập, kiên nhẫn, cân bằng giữa lòng tham và sự sợ hãi, khách quan và sẵn sàng tách khỏi tâm lý bầy đàn.
Nguyên tắc thì đơn giản là vậy, nhưng ai đã từng trải qua những thời điểm quan trọng và từng sai lầm mới biết những điều trên khó thực hiện đến thế nào.
Với tôi cũng như vậy, sẽ tiếp tục giao dịch, không cố đoán đỉnh thị trường trong nhịp này, cố kiểm soát bản thân và hy vọng “This time is different” – lần này sẽ khác!
Kết luận
Thị trường đang có những sự tích cực trông thấy, nhưng ẩn sau sự tích cực ấy rất có thể là một cái bẫy. Tuy hai cuộc khủng hoảng diễn ra theo các cách khác nhau, nhưng có thể thấy diễn biến tâm lý của thị trường luôn có sự đồng điệu nhất định.
Tuy nhiên, tâm lý bắt đáy luôn hiện diện trong lòng tham của mỗi nhà đầu tư, chỉ có điều, đôi lúc đáy ngắn hạn có thể chính là đỉnh trung hạn. Điều này đã được lịch sử chứng minh.
Đa phần mọi người dự đoán giá sẽ lên khi đã có dấu hiệu rõ ràng, hoặc giá sẽ tiếp tục xuống khi vừa trải qua một ngày đỏ lửa. Khi thị trường rung lắc, và các biến cố khó có thể nắm bắt, mọi người có xu hướng cho rằng tương lai là không rõ ràng. Tại sao không ai nói về ngày giá sẽ lên trong thời điểm thị trường bi quan. Hoặc không ai nói về ngày giá xuống trong thời điểm thị trường lạc quan. Rõ ràng, chúng ta đều tư duy cảm tính. Điều này đã được Warrent Buffet đề cập nhiều lần. Về phần mình, ông luôn nói, ông không biết tương lai thị trường sẽ tăng điểm hay giảm điểm.
Ở một diễn biến khác, do không ai có thể đoán được thị trường. Nếu trong trường hợp các số liệu vĩ mô của các nước được phát hành vào Q2, cũng như số liệu của các doanh nghiệp được phát hành vào Q2, rất có thể sự lạc quan sẽ chấm dứt, thay vào đó là sự hoảng loạn. Rõ ràng, trong tháng 3 năm 2020, trải nghiệm này đã được chứng minh chỉ bằng một tin về bệnh nhân số 17. Khi điều này xảy ra, thị trường có thể sẽ phục hồi hình chữ W, chưa tính đến trường hợp, thị trường sau đợt suy giảm số 2 sẽ phục hồi trễ hơn, do tình hình kinh doanh kém đi suốt nửa năm 2020, cũng như xuất hiện tâm lý thận trọng do trải nghiệm sợ hãi của đợt suy giảm.
Kịch bản suy thoái 1929 – 1933 rất khó để xảy ra, đặc biệt trong giai đoạn thị trường không đổ vỡ, mà là bị ngừng trệ. Sau COVID19, chắc chắn các hoạt động kinh doanh sẽ được phục hồi rõ rệt, và các chính phủ sẽ nhanh chóng bớm các khoản tiền vào để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, Covid như rượu, uống càng lâu càng say, nếu tình trạng ngừng trệ tiếp tục kéo dài và không thể kiểm soát, thì thị trường có thể xuất hiện nguy cơ đổ vỡ.
Trong thời gian tới, không loại bỏ trường hợp, đà giảm sẽ tương đối lớn tại các mã cổ phiếu không an toàn. Các mã đã có sức tăng cao trong thời gian vừa qua, với nền tảng kinh doanh còn nhiều nghi vấn, rất có thể sẽ rung lắc mạnh. Hoặc các mã mặc dù có năng lực kinh doanh tốt, nhưng đã tăng quá cao kể từ điểm trung bình, thì cũng chịu áp lực chốt lời mạnh mẽ. Rất có thể, áp lực chốt lời này, kèm theo sự rung lắc của thị trường, sẽ khiến các mã rơi vào vùng điều chỉnh trong ngắn hạn.
Bởi thế, giai đoạn này, chiến lược đầu tư giá trị, đặt biên an toàn, và lên các kịch bản rủi ro vẫn có khả năng phát huy hiệu quả. NĐT tránh đặt tiền vào các mã chứng khoán tăng ảo, bởi rất có thể đà bán tháo sẽ đủ mạnh để làm cháy danh mục.
Trong hoàn cảnh thuận lợi, luôn phải cảnh giác đến những khó khăn tiềm tàng có thể xảy ra.