Bài viết
Mục đích của việc học ACCA là gì? hay mục đích của việc học nói chung là gì?
Trong quá trình đi học cảm tình Đảng, nghiên cứu những lý luận và tư tưởng chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng mình xin được trích lại những dòng tuy nghe thì đã “cũ kỹ” nhưng lại vô cùng “hiện thực” đối với thời đại hiện nay.
—–
Tinh thần hiếu học (ham học hỏi và hiểu biết) thể hiện xuyên suốt trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Việt Nam có khoảng 86 triệu người, có hàng triệu trí thức và hàng vạn học sinh, sinh viên.
Đó là một lực lượng đông đảo đang đi tiên phong trong học tập và nghiên cứu khoa học và công nghệ, là một nguồn sức mạnh cho đất nước phát triển, vươn xa.
Tuy nhiên, trong thực tế, theo nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn, sự học hôm nay dưới ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường, đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan ngại như học thực dụng, học chỉ để du học, để tìm việc tốt, kiếm tiền nhiều, vị trí nhiều lợi ích…; sự học coi nhẹ về đạo đức, nhân văn (biểu hiện ở kết quả học và thi các môn: văn học, lịch sử, địa lý…); về lý luận, phương pháp luận… Không ít người có tư tưởng lệch lạc về sự học: nạn chạy bằng, mua điểm, những biểu hiện coi nhẹ đạo đức học đường, thiếu tôn sư, trọng đạo… đang gây nên những bức xúc trong nhân dân. Những biểu hiện đó ít nhiều làm băng hoại giá trị của sự học, đang bị cộng đồng xã hội lên án và dư luận đòi hỏi phải có những chấn chỉnh về mục đích, chương trình, phương pháp dạy và học.
Nghiên cứu và ngẫm lại tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học, về mục đích học tập trong bối cảnh hôm nay, nhiều quan điểm, luận điểm của Người vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự và khoa học mới mẻ, có thể giúp ích cho chúng ta xây dựng một xã hội học tập lành mạnh và tiến bộ. Trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta, việc học là một phương thức quan trọng để hội nhập, bởi chỉ có giáo dục, đào tạo có chất lượng mới tạo ra con người, đội ngũ có năng lực phục vụ sự hội nhập ấy. Nhiều chuyên gia giáo dục của thế giới khuyến cáo Việt Nam phải đầu tư và cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong giáo dục, chỉ có thắng trong giáo dục mới có thể thắng trong kinh tế. Tinh thần học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân chính là học để xây dựng đất nước, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, vươn lên văn minh hiện đại. Tinh thần đó cần được phát huy, khơi gợi trong cán bộ, học sinh và nhân dân sao cho biến xã hội ta thành một xã hội thực sự học tập, một cộng đồng luôn ham học hỏi và hiểu biết, có trí tuệ, tài năng và nhân cách.
Tinh thần học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều điểm trùng khớp với tinh thần của Unesco (Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên Hợp Quốc), khi Liên Hợp Quốc đề ra mục tiêu của học tập là học để hiểu biết, để chung sống, để làm việc và làm người. Tinh thần đó của Người đã bắt nhịp với thời đại và có dịp tỏa sáng cùng thời đại. Tư tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như vậy dẫn đến hệ quả tất yếu là, phải học thường xuyên, học suốt đời. Điều đó hoàn toàn thích ứng với một xã hội năng động và phát triển nhanh trong thế giới hôm nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập để phụng sự Tổ quốc và nhân dân hoàn toàn có khả năng khuyến khích sự học tiến bộ, đáp ứng yêu cầu của nền “kinh tế tri thức” đang phát triển, đòi hỏi thực học, trí tuệ, mà Việt Nam là một đất nước đang chuyển đổi và bước đầu tiếp cận với nền kinh tế ấy. Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tinh thần Hồ Chí Minh chỉ có thể phát huy trên cơ sở một thái độ học tập tích cực và sáng tạo, có phương pháp, tự nỗ lực không ngừng. Sự học đó khác xa với cái học nệ cổ của phong kiến, cái học siêu hình, không thực tế của lối học kinh viện; sự học đó cũng khác xa với cái học cá nhân, tự kiêu, tự mãn, tự phụ; sự học đó đối lập với cái học cá nhân chủ nghĩa không biết đến nhân quần xã hội.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta có thể học tập vô số điều, nhưng trong bối cảnh, vận hội mới của đất nước, cần phải học và thực hành tinh thần học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Chỉ với một thái độ học tập tích cực, đúng đắn và nhân văn như vậy, mỗi người Việt Nam mới có thể góp sức học và sức làm việc của mình để dân tộc có thể sánh vai các quốc gia, dân tộc khác, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Học để làm việc, làm người, làm cán bộ
Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại
Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.