Hiểu đúng về ESOP
- 07/09/2020
- Posted by: Đội ngũ Tự học ACCA
- Category: Kinh doanh Tài chính - Đầu tư
Robert Green từng viết “đừng nghe những gì anh ta nói, hãy xét đoán những gì anh ta làm, những hành vi có thể nhìn thấy và đo lường được”
Khi chúng ta bỏ tiền vào một doanh nghiệp, chúng ta hy vọng rằng doanh nghiệp này sẽ làm cho chúng ta có dòng tiền, và tăng giá trị trong tương lai.
Do đó, một yếu tố cơ bản khi nhìn vào các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp, đó là xem liệu quyết định này có làm tăng giá trị của công ty hay không, tạo ra lợi ích cho cổ đông hay không.
Trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp liên tục công bố phát hành ESOP. Tuy nhiên, bức tranh ESOP tại Việt Nam có nhiều điểm cần lưu ý hơn là những gì được viết trên bề mặt của nó.
Trước hết, chúng ta có thể hiểu ESOP (Employee Stock Ownership Plan) là kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty. Cổ phiếu ESOP thường được phát hành với giá ưu đãi kèm một số điều kiện.
Thứ hai, ESOP giống như việc trao cho nhân viên quyền sở hữu công ty (cổ phiếu) với một cái giá rẻ (bằng mệnh giá hoặc 50% thị giá). Điều này giúp nhân viên làm việc, cống hiến để xây dựng công ty phát triển bền vững (kéo theo giá trị cổ phiếu mà họ đang nắm giữ tăng lên). Về mặt lý thuyết, có thể thấy phát hành ESOP giúp tăng động lực cho nhân viên, khuyến khích nhân viên phát triển công ty, từ đó mang về lợi ích cho cổ đông.
Ngoài ra, ESOP được coi như một khoản thưởng nhưng không phải trả bằng tiền mặt (giống như tặng quà bánh thay vì phong bì) điều này giúp công ty duy trì tiền mặt để phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất trong giai đoạn dịch Covid19
Tuy nhiên, thực tế bức tranh ESOP lại tồn tại nhiều điều cần cân nhắc. TuhocACCA sẽ mổ xẻ vấn đề theo hai hướng như câu nói của Robert Green đó là vấn đề về hành vi và vấn đề về đo lường. Với hành vi, chúng ta sẽ xem kế hoạch ESOP được tiến hành như thế nào, có dựa trên các động cơ trong sáng hay không. Với đo lường, chúng ta sẽ nhìn vào góc độ kế toán tài chính để tìm ra những ý tưởng mới.
1. Vấn đề hành vi ESOP
Thứ nhất, để đảm bảo ESOP được diễn ra thành công, công ty ngoài việc dựa vào quy định của pháp luật còn hạn chế chuyển nhượng trong một thời gian (2-4 năm) kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành, và các điều kiện khác.
Gần đây, VPBank (VPB) công bố phát hành 31 triệu cổ phiếu ESOP cho 725 nhân viên với giá bằng mệnh giá (=10.000 đồng/cổ phiếu), tỷ lệ chào bán thành công là 100%. Tuy nhiên, trong đó, tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh mua vào 16.4 triệu cổ phiếu, chiếm 53% lượng chào bán
CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã thông qua kế hoạch phát hành ESOP với tỷ lệ 3%/tổng số cổ phiếu đang lưu hành, giá bán sẽ nằm trong khoảng 10.000 đến 50% giá trị trường.
Tuy nhiên, có nhiều cổ đông trong doanh nghiệp bức xúc vì công ty phát hành ESOP thường xuyên nhưng lại không chia cổ tức, hoặc nếu được chia cũng ở mức rất thấp ro với kế hoạch ESOP.
Gần đây nhất, Nafoods Group (NAF) phát hành một lượng cổ phiếu tương đương xấp xỉ 5% số cổ phiếu đang lưu hành, không hạn chế chuyển nhượng và được dùng nguồn vốn nội tại (lợi nhuận sau thuế và quỹ đầu tư phát triển) – nói cách khác, doanh nghiệp sẽ bị pha loãng cổ phiếu (nhiều cổ phiếu lưu hành hơn) mà không thu tiền về (do dùng quỹ nội tại)
Trong trường hợp của NAF, nhân sự sẽ được hưởng trung bình gần 740 triệu đồng, trong khi không phải đóng thuế thu nhập cá nhân có thể lên đén 35% mà chỉ phải nộp 0,1% thuế khi bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán và trả phí giao dịch khoảng 0,15%
Ngoài ra, kế hoạch ESOP của NAF đang có nhiều dấu hiệu đáng ngờ, khi chia cho 66 người trong khi tổng số nhân viên của công ty lại là 600 lao động. Điều này nói lên việc có thể công ty đang chọn lọc một vài người để được hưởng lượng lớn ưu đãi (vốn được bòn rút từ túi tiền của cổ đông)
Tạm kết: vốn chủ sở hữu và giá trị doanh nghiệp thuộc về cổ đông. Và bất kỳ quyết định kinh doanh nào cũng phải hướng đến làm tăng 2 yếu tố này. Trong những ví dụ trên, có nhiều công ty có dấu hiệu thương nhân viên hơn cổ đông và vài trường hợp thì đang xâm phạm đến lợi ích cổ đông.
Mặt khác, “yêu con gà hơn yêu quả trứng” – theo Inamori Kazuo – là việc công ty tập trung vào nhân viên để từ đó nhân viên có thái độ tốt hơn để cống hiến cho công ty và qua đó trong dài hạn nâng cao giá trị của cổ đông.
Đúng hay sai còn chưa rõ, nhưng bằng việc nhìn vào hành vi thay vì các lý luận, chúng ta có thể đưa ra những ý tưởng cho riêng mình. Lúc này, chúng ta sẽ cùng cân nhắc đến những con số.
2. Vấn đề đo lường ESOP
Có những yếu tố đầu tiên về mặt đo lường khi cân nhắc ESOP đó là (1) ESOP phải đi kèm với những kế quả hoạt động kinh doanh phù hợp; (2) ESOP phải được phản ánh một cách trung thực và hợp lý trên góc độ kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ nhất, có nhiều doanh nghiệp có kế hoạch phát hành ESOP không tương xứng với các kết quả hoạt động kinh doanh phù hợp. Giả sử như MWG sẽ phát hành ESOP nếu hoàn thành 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2020, trong khi đó kế hoạch năm 2020 lại giảm 10% so với năm 2019. Khác hoàn toàn với năm trước đó khi MWG thực hiện vượt kế hoạch. Điều này có thể được giải thích bằng việc năm nay, ngành bán lẻ bị khó khăn chung, do đó, việc hoàn thành lợi nhuận 2020 ở mức 80% cũng là một thắng lợi của MWG. Ngoài ra, MWG có mức ESOP phù hợp theo tăng trưởng của EPS và được chia chủ yếu cho đội ngũ nhân viên nhằm thực hiện các mục tiêu văn hoá doanh nghiệp. Mặc dù vậy, việc nhìn nhận sâu hơn vào tác dụng của ESOP đối với hoạt động kinh doanh cũng như lợi ích trong trung và dài hạn của cổ đông vẫn là điều cần thiết.
Thứ hai, bản chất của ESOP là một loại chi phí doanh nghiệp – giống như tiền quà cáp thưởng cho nhân viên vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo quy định kế toán Việt nam, nếu doanh nghiệp thưởng tiền mặt thì sẽ làm giảm lợi nhuận sau thuế, còn nếu phát hành ESOP thì chỉ cần chuyển từ các khoản mục lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác sang tăng vốn chủ sở hũu. Như vậy, tại Việt Nam, ESOP chỉ làm thay đổi trong vốn chủ sở hữu chứ không làm giảm con số lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngược lại, theo chuẩn mực IFRS, khi doanh nghiệp phát hành ESOP thì phải ghi nhận chi phí theo từng giai đoạn sát với kỳ của ESOP đó.
Có thể thấy, nếu coi ESOP là chi phí doanh nghiệp, và chi phí này được đo lường bằng giá thị trường tại ngày phát hành, thì sẽ làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp này xuống hơn nữa so với kế hoạch. Do vậy, khi cân nhắc đến ESOP chúng ta cần coi nó như một khoản chi phí, và phải được điều chỉnh vào trong lợi nhuận của kỳ liên quan.
Tiểu kết: ESOP không phải là một công cụ vô ích, ngược lại ESOP được xem là một phương pháp hữu hiệu đối với doanh nghiệp khi vừa giúp doanh nghiệp giữ người tài, vừa giúp tăng vốn mà không làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Mặc cho các điểm tốt của ESOP, có nhiều doanh nghiệp có vẻ đang sử dụng công cụ này đi ngược lại lợi ích của cổ đông, khiến chủ sở hữu doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn nhỏ.
Mặt khác, không thể nhìn ESOP trong con mắt ngắn hạn. Bởi nếu phát hành ESOP đồng nghĩa với năm sau hoặc năm kia lợi nhuận sẽ tăng trưởng hoặc các chỉ số tài chính sẽ đẹp hơn thì sẽ là một điều không hợp lý đối với góc nhìn kinh doanh.
ESOP là một công cụ, và với từng doanh nghiệp và ngành nghề cũng như văn hoá doanh nghiệp mà nó sẽ có những tác động khác nhau.
Người sử dụng báo cáo tài chính cần nhìn cả vào các mặt tích cực và các mặt hạn chế của ESOP để có thể ra những quyết định hợp.